Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) không được điều trị có thể gây ra bệnh viêm vùng chậu (PID), một loại bệnh nghiêm trọng ở nữ giới. Cứ 8 nữ giới có tiền sử bị PID thì có 1 người gặp khó khăn trong việc mang thai. Bạn có thể phòng ngừa PID nếu biết cách bảo vệ bản thân. – Theo CDC
Bệnh PID là gì?
Bệnh viêm vùng chậu là một dạng viêm cơ quan sinh sản ở nữ giới. Đó là một biến chứng thường do một số bệnh STD gây ra, chẳng hạn như chlamydia và bệnh lậu. Các dạng lây nhiễm khác không lây truyền qua đường tình dục cũng có thể gây ra PID.
Tôi mắc PID bằng cách nào?
Bạn có nhiều khả năng mắc PID nếu bạn
- Đang mắc STD mà không điều trị;
- Có nhiều bạn tình;
- Bạn tình của bạn có quan hệ tình dục với những người khác ngoài bạn;
- Trước đó đã mắc PID;
- Từ 25 tuổi trở xuống và có quan hệ tình dục;
- Thụt rửa;
- Sử dụng vòng tránh thai (IUD) để ngừa thai. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh phần lớn chỉ giới hạn ở ba tuần đầu tiên sau khi đặt IUD vào trong tử cung.
Tôi có thể giảm nguy cơ mắc PID bằng cách nào?
Cách tốt nhất để tránh các bệnh STD là không quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng.
Nếu có quan hệ tình dục, bạn có thể làm theo các hướng dẫn sau đây để giảm nguy cơ mắc PID:
- Duy trì mối quan hệ một vợ một chồng lâu dài từ cả hai phía với người bạn tình đã được xét nghiệm và có kết quả kiểm tra âm tính với STD;
- Dùng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục.
Làm sao tôi biết mình có bị PID hay không?
Không có xét nghiệm nào để phát hiện PID. Chẩn đoán thường dựa trên sự kết hợp giữa bệnh sử, khám lâm sàng và các kết quả xét nghiệm khác của bạn. Bạn có thể không nhận ra bạn bị PID vì các triệu chứng có thể nhẹ hoặc bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, nếu có triệu chứng, bạn có thể nhận thấy
- Đau ở bụng dưới;
- Sốt;
- Tiết dịch bất thường và có mùi hôi từ âm đạo;
- Đau và/hoặc ra máu khi quan hệ tình dục;
- Cảm giác nóng rát khi tiểu tiện; hoặc
- Ra máu giữa các chu kỳ kinh nguyệt.
Bạn nên
- Để bác sĩ kiểm tra nếu bạn phát hiện thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này;
- Kịp thời thăm khám bác sĩ nếu bạn cho rằng bạn hoặc (các) bạn tình của mình bị hoặc phơi nhiễm với một bệnh STD;
- Kịp thời thăm khám bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào ở đường sinh dục chẳng hạn như đau bất thường, tiết dịch nặng mùi, cảm giác nóng rát khi tiểu tiện hoặc ra máu giữa các chu kỳ kinh nguyệt;
- Tiến hành xét nghiệm chlamydia hàng năm nếu có quan hệ tình dục và từ 25 tuổi trở xuống.
- Nói chuyện cởi mở và trung thực với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn nếu bạn có quan hệ tình dục và hỏi xem bạn có nên đi xét nghiệm về các STD khác không.
Bệnh PID có thể chữa khỏi hay không?
Có, nếu PID được chẩn đoán sớm thì có thể điều trị được. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ không phục hồi lại được bất kỳ tổn thương nào đã xảy ra với cơ quan sinh sản của bạn. Bạn càng để lâu không điều trị thì càng có nhiều khả năng mắc các biến chứng từ PID. Trong khi dùng thuốc kháng sinh, các triệu chứng của bạn có thể biến mất trước khi khỏi hẳn viêm nhiễm. Ngay cả khi các triệu chứng biến mất, bạn vẫn nên dùng hết tất cả số thuốc của bạn. Hãy chắc chắn nói với (các) bạn tình gần đây của bạn để họ cũng có thể đi xét nghiệm và được điều trị các bệnh STD. Điều cũng rất quan trọng là cả bạn và bạn tình của bạn đều cần phải hoàn tất việc điều trị của mình trước khi có bất kỳ kiểu quan hệ tình dục nào để các bạn không bị tái nhiễm lẫn nhau.
Bạn có thể mắc lại PID nếu bạn bị nhiễm lại một bệnh STD. Ngoài ra, nếu trước đó đã mắc PID, bạn có nguy cơ cao bị mắc lại.
Chuyện gì xảy ra nếu tôi không được điều trị?
Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, có thể ngăn ngừa được các biến chứng của PID. Một số biến chứng của bệnh PID là
- Hình thành mô sẹo ở cả trong và ngoài ống dẫn trứng, điều này có thể làm tắc ống dẫn trứng;
- Hiện tượng thai ngoài tử cung (mang thai bên ngoài dạ con);
- Vô sinh (không thể có thai);
- Đau bụng/đau vùng chậu lâu dài.