Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay, tại các nước đang phát triển, tỷ lệ người trẻ mắc ung thư cổ tử cung có xu hướng gia tăng song hiểu biết về bệnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Do đó, việc trang bị kiến thức cơ bản là điều cần thiết.
1. Nguyên nhân có thể gây mắc ung thư cổ tử cung?
Theo thống kê của WHO, có tới khoảng 99% ca bệnh xuất phát do virus HPV gây ra, trong đó type 16 và 18 chiếm tới hơn 70%. Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là khi bạn phát hiện ra có sự tồn tại của virus HPV là bạn đã bị mắc bệnh.
Nguyên nhân là vì khi virus HPV tấn công và gây bất thường cho tế bào tại cổ tử cung, nếu là type ít nguy hiểm thì qua một thời gian, tế bào có thể phục hồi trở lại.
Khi tế bào không thể phục hồi trong một thời gian dài hoặc khi bị nhiễm type nguy hiểm, khả năng mắc bệnh sẽ cao.
2. Phụ nữ bao nhiêu tuổi dễ mắc ung thư cổ tử cung?
Phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 45 có sinh hoạt tình dục là đối tượng bị mắc bệnh phổ biến hơn cả, dưới 20 tuổi thường ít có nguy cơ bị bệnh song hiện nay, bệnh có xu hướng trẻ hóa.
Đặc biệt, với một số trường hợp, khả năng mắc sẽ cao hơn, như:
- Quan hệ tình dục với nhiều người.
- Sinh đẻ quá nhiều lần.
- Sinh con khi tuổi còn ít, chưa thành niên.
- Thường xuyên hút thuốc lá.
- Khả năng miễn dịch bị suy giảm hoặc bị bệnh khiến cho hệ miễn dịch bị yếu, chẳng hạn HIV.
- Bị bệnh xã hội.
3. Thời gian để bệnh phát triển là bao lâu?
Đây cũng là một trong những câu hỏi thường gặp về ung thư cổ tử cung. Sở dĩ bệnh được gọi là “Sát thủ thầm lặng” bởi vì thời gian để bệnh phát triển có thể tới từ 15 đến 20 năm ở người bình thường, người có miễn dịch kém thì khoảng 5 tới 10 năm và rất khó để nhận biết. Khi bệnh đã phát triển thì việc chữa trị khỏi rất khó. Đây chính là lý do cần tầm soát bệnh một cách thường xuyên.
4. Các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh là gì?
Tùy từng giai đoạn mà bệnh có thể biểu hiện ra theo các dấu hiệu khác nhau, tuy nhiên, phổ biến là:
- Âm đạo chảy máu sau quan hệ hoặc khi đã qua thời điểm hành kinh.
- Khí hư biến đổi: có mùi tanh hôi hoặc chuyển màu xanh mủ, lẫn vết máu.
- Đau khi thực hiện giao hợp, đi tiểu hoặc tại vùng chậu.
- Kinh nguyệt kéo dài, rối loạn.
- Luôn ở trạng thái mệt mỏi.
- Sụt cân nhiều bất thường.
- Đau chân.
5. Bị ung thư cổ tử cung có thể lây sang người khác không?
Do không phải bệnh truyền nhiễm nên việc lây lan không xảy ra. Mặc dù vậy, virus HPV lại có thể lây qua rất nhiều con đường như tiếp xúc với da, hầu họng hoặc cơ quan sinh dục, dịch từ nốt bệnh. Thậm chí, virus còn có thể lây qua việc sử dụng chung quần lót, kìm bấm móng tay,…
Tùy theo từng type hoặc các yếu tố thuộc về miễn dịch cá nhân mà virus này khi xâm nhập có thể gây ung thư hay không. Tỷ lệ phụ nữ nhiễm virus rất lớn song không phải ai cũng bị bệnh. Mặc dù vậy, không thể khẳng định một cách chắc chắn rằng virus trong cơ thể bạn có gây ung thư hay không. Vì thế, cần cẩn trọng và nâng cao ý thức tầm soát.
6. Mắc ung thư cổ tử cung có sống được không?
Với sự phát triển của y học và khoa học công nghệ, việc chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống cho người bệnh phụ thuộc vào thời điểm phát hiện khi nào.
- Nếu phát hiện sớm (tiền ung thư) thì có tới 90% trường hợp có thể chữa khỏi.
- Giai đoạn I khi khối u đã hình thành trong tử cung, tỷ lệ sống hơn 5 năm còn khoảng 80 tới 90%.
- Giai đoạn II khi khối u bắt đầu lan ra vùng lân cận song chưa tới âm đạo hay vùng chậu: khả năng sống còn khoảng 50 tới 60%.
- Giai đoạn III: tế bào ung thư lan tới khung chậu, âm đạo, niệu quản: khả năng sống hơn 5 năm còn khoảng 25 đến 35%.
- Giai đoạn IV: tế bào ung thư đã di căn thì thời gian sống không còn nhiều, có tới hơn 90% sẽ không quá 5 năm.
7. Vắc xin có phòng ngừa được bệnh không?
Vắc xin chính là cách có thể ngăn ngừa bệnh đơn giản mà hiệu quả lại có thể kéo dài tới 30 năm nên cần được tiêm sớm. Độ tuổi được khuyến cáo là khoảng từ 9 tới 26, trong đó, hiệu quả sẽ đạt mức cao nhất nếu tiêm trước khi quan hệ tình dục lần đầu tiên.
8. Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát bằng cách nào, ở đâu?
Thực hiện các xét nghiệm HPV, Pap Smear hoặc Thinprep là các cách giúp tầm soát, phát hiện và đánh giá diễn biến của bệnh. Trong số đó, phụ nữ dưới 30 tuổi không nên xét nghiệm HPV, Thinprep là phương pháp cải tiến trên cơ sở Pap Smear.
Chuyên khoa tại Bệnh viện Đa khoa và các Phòng khám Sản phụ khoa đều có thể thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung. Khi có kế hoạch, bạn nên tìm hiểu về dịch vụ này và liên lạc trước với cơ sở để được tư vấn, dặn dò nhằm mục tiêu giúp cho quá trình thực hiện thuận lợi và kết quả mang lại chính xác.
Để biết thêm thông tin về bệnh cũng như thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung, bạn hãy liên hệ với Dr. Marie theo số 1900 55 88 82.