Bị mắc ung thư cổ tử cung khi mang thai là điều bất cứ người phụ nữ nào cũng không mong muốn bởi nó không chỉ đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của mẹ mà của cả thai nhi. Vậy cụ thể những ảnh hưởng bệnh có thể gây ra là gì và làm thế nào để hạn chế? Hãy tìm hiểu cùng Dr. Marie nhé.
1. Vì sao ung thư cổ tử cung là mối đe dọa của phụ nữ?
Ung thư cổ tử cung có nguyên nhân do virus HPV (papilloma virus), là một trong những bệnh thường gặp ở phụ nữ, nhất là những người đang trong thời kỳ sinh sản.
Virus này có thể là nguyên nhân của mụn cóc sinh dục hoặc một số bệnh ung thư ở hậu môn, dương vật, âm hộ,… Trong đó, type 16 và 18 là nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư cổ tử cung. Các tế bào ở cổ tử cung bị virus tấn công sẽ phát triển nhanh chóng, vượt quá sự chống chịu của cơ thể, gây nên các khối u.
Lúc mới xâm nhập vào cơ thể, virus HPV hầu như không gây ra hiện tượng gì quá bất thường hay nguy hiểm, sau đó, chúng phát triển một cách âm thầm trong thời gian dài, khoảng vài năm, gây ra các u ác tính ở cổ tử cung rồi lan dần ra các vùng lân cận, cuối cùng di căn tới một số bộ phận khác dẫn tới nguy cơ tử vong nhanh chóng.
Sự phát triển âm thầm trong thời gian dài với hậu quả rất nghiêm trọng chính là hai trong số những nguyên nhân khiến bệnh được xếp vào loại nguy hiểm.
2. Nguyên nhân dẫn tới ung thư cổ tử cung khi mang thai
Trong cổ tử cung, các tế bào thông thường ở trạng thái cân bằng giữa việc sinh ra và chết đi song do một vài nguyên nhân, quá trình hủy bào bị ngưng hoặc suy giảm, tế bào mới sinh trưởng bất thường gây ra các u nhú rồi tiến triển thành ung thư.
Bà bầu thuộc một trong những đối tượng sau đây có nguy cơ cao bị bệnh:
- Có nhiều đối tác quan hệ tình dục.
- Quan hệ khi đang trong tuổi vị thành niên.
- Gia đình có người bị ung thư cổ tử cung, người mẹ sử dụng thuốc ngừa sảy thai hoặc lạm dụng thuốc tránh thai có nguy cơ cao hơn.
- Hệ thống miễn dịch hoạt động kém hoặc đã, đang mắc một số bệnh xã hội như: lậu, giang mai, chlamydia,…
- Có hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng ma túy.
- Thần kinh căng thẳng kéo dài.
- Từng mang thai nhiều lần (5 lần trở lên).
Khi bà bầu bị ung thư cổ tử cung, có thể gặp phải những triệu chứng:
- Bị đau sau mỗi lần quan hệ tình dục.
- Đau xuất hiện tại khu vực bụng dưới, xương chậu.
- Âm đạo tiết dịch và chảy máu bất thường.
- Thiếu máu và sụt cân không xác định nguyên nhân.
3. Ung thư cổ tử cung khi mang thai có gây ra ảnh hưởng cho thai nhi không?
Rất nhiều người băn khoăn rằng ung thư cổ tử cung có lây không, có ảnh hưởng tới con không? Bệnh này không lây cũng như không gây ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi. Tuy nhiên, việc trị bệnh lại có thể gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của con trong bụng mẹ.
Thông thường, tùy giai đoạn của thai và tình trạng bệnh của mẹ mà bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp thích hợp
- Khi bệnh của mẹ được phát hiện ở giai đoạn sớm mà thai nhi mới ở những tháng đầu: có thể hoãn điều trị cho mẹ, chờ khi con ra đời mới thực hiện can thiệp.
- Khi bệnh của mẹ phát hiện sớm hoặc muộn mà vào giai đoạn cuối của thai kỳ: bác sĩ sẽ xem xét việc mổ lấy thai sớm để vừa an toàn cho con, vừa có thể tiến hành điều trị cho mẹ.
- Khi bệnh của mẹ ở giai đoạn muộn mà lại là đầu thai kỳ: việc đình chỉ thai kỳ có thể được tiến hành để điều trị cho mẹ ngay.
4. Phòng tránh ung thư cổ tử cung khi mang thai thế nào?
Với việc khoa học ngày càng phát triển, các phương pháp điều trị theo đó cũng được nâng cao hiệu quả. Vì thế, những người phát hiện, điều trị sớm bệnh, có thể vẫn có khả năng sinh con trong tương lai. Tuy nhiên, khi đã phải cắt buồng trứng hoặc tử cung thì việc mang thai là không thể.
Bởi vậy, phòng bệnh vẫn là lựa chọn tối ưu cho mỗi người, bằng cách:
- Sống chung thủy.
- Không quan hệ quá sớm, quan hệ bừa bãi.
- Phối hợp vận động, ăn uống và nghỉ ngơi khoa học, không hút thuốc, hạn chế bia rượu.
- Giữ vệ sinh cho vùng kín, không lạm dụng thụt rửa.
- Không tự ý sử dụng thuốc tránh thai bừa bãi.
Đặc biệt, đối với trẻ em gái và phụ nữ, cần chú ý thực hiện tiêm vắc xin phòng virus HPV theo chỉ định, hiệu quả nhất là từ 9 – 26 tuổi. Với những người ngoài độ tuổi này vẫn được khuyến khích tiêm.
Duy trì khám phụ khoa và thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung theo định kỳ. Đối với phụ nữ đang mang thai, khám thai định kỳ có thể giúp phát hiện các tổn thương sớm để điều trị kịp thời.
Để được khám phụ khoa định kỳ hoặc sàng lọc ung thư cổ tử cung, bạn có thể đến các Bệnh viện Đa khoa hoặc các Phòng khám chuyên khoa Sản phụ.
Với dịch vụ khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, bạn có thể thực hiện một trong hai phương pháp là Xét nghiệm ThinPrep hoặc PAP Smear. Phòng khám Sản phụ khoa Dr. Marie có đầy đủ nhân lực và cơ sở vật chất đáp ứng tốt việc tiến hành cả hai phương pháp này.
Chính vì vậy, khi có nhu cầu được tư vấn, thực hiện khám phụ khoa định kỳ hoặc sàng lọc ung thư cổ tử cung, bạn có thể đến trực tiếp tại Phòng khám Dr. Marie hoặc gọi điện tới số 1900 55 88 82.